Tại sao phải học Đồ họa kỹ thuật ?
So với 3000 năm trước, ngôi nhà của con người đã thay đổi như thế nào, và ngôi nhà của con ong, con kiến có gì khác so với cái tổ của chúng cách đây 10.000 năm? Sự khác nhau giữa con người và con ong, con kiến là gì? Luôn có những người không muốn làm theo lối mòn cũ, họ luôn tìm cách làm mới để mọi việc trở nên hiệu quả và tốt đẹp hơn, đó chính là sự sáng tạo, là yếu tố then chốt làm phát triển và thay đổi thế giới của chúng ta.
Từ khi xuất hiện trên thế giới này, con người đã biết dùng các hình vẽ để diễn đạt các suy nghĩ của mình. Cho đến nay, tất cả các sáng tạo kỹ thuật đều được trình bày bằng bản vẽ thiết kế. Để người đọc bản vẽ hiểu đúng ý tưởng của người thiết kế, cần có các quy ước chung về cách trình bày và cách đọc bản vẽ, đó chính là cơ sở hình thành môn học Đồ họa Kỹ thuật.
Sinh viên các ngành nào phải học Đồ họa Kỹ thuật?
Dù học chuyên ngành gì, sinh viên kỹ thuật các ngành sau đây buộc phải học tốt môn Đồ họa Kỹ thuật để có thể đọc hiểu và trình bày được các ý đồ thiết kế của mình:
- Ngành kỹ thuật Xây dựng: xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình quân sự, sân bay, đô thị…
- Ngành kỹ thuật Cơ khí: thiết kế cơ khí, gia công chế tạo máy, cơ khí ô tô…
- Ngành thiết kế Kiến trúc, Quy hoạch: kiến trúc công trình, thiết kế nội thất, quy hoạch đô thị, hạ tầng đô thị, quy hoạch cảnh quan…
Ngoài ra, sinh viên một số ngành khác như kỹ thuật điện-điện tử, cấp thoát nước… cũng phải hoàn thành các học phần cơ bản nhất của lĩnh vực Đồ họa Kỹ thuật.
Đồ họa kỹ thuật gồm các học phần nào?
Tùy theo chương trình đào tạo của từng ngành hoặc chuyên ngành, lĩnh vực Đồ họa Kỹ thuật này có thể phân chia thành nhiều học phần có tên gọi và nội dung khác nhau như Hình Họa, Vẽ kỹ thuật, Vẽ cơ khí, Cơ sở diễn họa, Phương pháp trình bày thiết kế…Bên cạnh các môn học nền tảng này, sinh viên còn cần nắm được một số phần mềm Đồ họa để phục vụ công việc của mình như AutoCad, SketchUp, Blender, 3DMax, Revit, Solidworks, Inventor, Catia…
Dựa trên cách học, có thể phân chia các học phần Đồ họa Kỹ thuật thành 2 nhóm sau:
- Đọc hiểu và vẽ bản vẽ kỹ thuật bằng tay, gồm các học phần như Hình Họa, Vẽ kỹ thuật, Vẽ cơ khí….
- Đọc hiểu và vẽ bản vẽ kỹ thuật trên máy tính bằng các phần mềm tùy theo chuyên ngành.
Làm thế nào để học tốt các môn Đồ họa Kỹ thuật?
Nhiều sinh viên hay đưa ra các lý do như không có năng khiếu vẽ, không có khả năng hình dung không gian, môn học này quá trừu tượng…Thực ra cách học Đồ họa Kỹ thuật cũng như rất nhiều môn học khác, học đúng phương pháp kết hợp với sự kiên trì của bản thân, bạn sẽ thấy học Đồ họa cũng như học bơi, không thể đứng trên bờ nghe lý thuyết và nhìn người khác bơi mà mình tự nhiên biết bơi được.
Để học tốt, các bạn cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Dụng cụ vẽ đầy đủ, chuyên nghiệp
- Học phương pháp vẽ, không học kết quả vẽ
- Vẽ theo đúng phương pháp, không vẽ theo cảm tính và sự hình dung chủ quan
- Vẽ mỗi bản vẽ ít nhất 2 lần, lần vẽ thứ 2 chính là lúc bạn học được nhiều nhất
- Luôn đúc rút kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng để mỗi bản vẽ sau luôn tốt hơn bản vẽ trước, mỗi ngày bạn đều cố gắng để phá vỡ kỷ lục trước đó của bản thân và nâng cao hơn giới hạn của chính mình.
Mỗi bài tập, mỗi học phần chính là tảng đá xây nền móng, là bậc thang dẫn tới thành công. Chúc các bạn xây dựng được một nền móng vững chắc, một cầu thang mạnh mẽ cho tương lai của mình!
NguyenVietAnh